(Bài viết có sử dụng tư liệu từ video : Why Sandalwood is so Expensive - Business Insider)

Ngày nay, note hương gỗ đã không còn quá xa lạ đối với những tín đồ nước hoa. Nó góp phần mang lại hương thơm ấm nồng, bí ẩn và quyến rũ. Cũng chính vì điều này, mà hợp hương gỗ được rất nhiều các nhà điều chế nước hoa yêu thích sử dụng cho làn hương cuối, để củng cố nhiều khía cạnh khác nhau của một mùi hương. Một trong những nốt hương gỗ chính trong ngành hương là : Đàn hương (Sandalwood). Đàn hương mang đến cho hỗn hợp hương một hương thơm mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần ngọt ngào, tròn trịa với khía cạnh kem sữa. 

Gỗ Đàn Hương có tên khoa học là Santalum Album, có nguồn gốc từ Nam Ấn Độ, đã được sử dụng hàng trăm năm, trước khi trở thành mùi hương phổ biến cho các loại nước hoa. Thậm chí ở Việt Nam, Gỗ Đàn Hương cũng được biết đến trong thơ ca của đại thi hào Nguyễn Du:

Nhất chú Đàn Hương tiêu tuệ nghiệp,
Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai.

Vọng Quan Âm Miếu – Nguyễn Du

Ngày nay, thân của Gỗ  Đàn Hương còn được sử dụng trong điêu khắc, y học, và thậm chí còn được coi là một loại cây thiêng liêng trong một số tôn giáo.

Vậy điều gì đã làm cho hương thơm của Gỗ Đàn Hương trở nên đặc biệt? Và đó có phải là nguyên nhân khiến chúng có giá thành cao chót vót?

Quá trình sản xuất kỳ công

Trên thực tế, điều làm nên giá trị cho Gỗ Đàn Hương chính là phần tâm gỗ (heartwood), đó là phần gỗ ở phía trong, màu sẫm, cấu tạo từ các tế bào gỗ già. Phần gỗ này có thể được phân loại là jajpokal, và góp phần tạo nên chất lượng của tinh dầu với giá khoảng $200.

Sau khi thu hoạch, Gỗ Đàn Hương được bán đấu giá cho các nhà máy ở Ấn Độ để sản xuất tinh dầu. Các nhà sản xuất có thể mua phần tâm gỗ đã được xử lý hoặc gỗ thô. Nếu chọn mua gỗ thô thì công nhân sẽ phải xử lý từng thân gỗ để bóc tách phần lõi. 

Tất cả các quy trình đều phải làm thủ công và đòi hỏi rất nhiều kỹ năng”, J. Mahadeva Singh, Trợ lý tổng giám đốc của Karnataka Soaps & Detergents Limited  (KS&DL) 

Sau quá trình bóc tách, phần tâm gỗ sẽ được cắt nhỏ để công nhân phân loại một lần nữa. Sau đó, tất cả phần tâm gỗ nguyên chất sẽ được nghiền thành bột mịn và bắt đầu quá trình chưng cất lôi cuốn hơi nước. Bán thành phẩm sau khi được tách nước sẽ thu được tinh dầu Gỗ Đàn Hương tinh khiết. Thông thường, nhóm của Mahadeva sẽ mất khoảng một tuần để sản xuất ra được khoảng 1 tấn tinh dầu. Phụ phẩm bột sau khi chưng cất vẫn còn đọng lại mùi hương, thay vì lãng phí chúng sẽ được sử dụng làm nhang, một lễ vật phổ biến trong các tôn giáo Ấn Độ. 

Tinh dầu tinh khiết sẽ được kiểm tra chất lượng ở một phòng thí nghiệm tại Bengaluru. Sau đó, thành phẩm tinh dầu sẽ được chuyển đến một nhà máy khác, nơi nó sẽ được sử dụng để sản xuất xà phòng cho Karnataka Soaps & Detergents Limited (KS&DL). Hương thơm độc đáo và lâu dài của Gỗ Đàn Hương làm cho nó tương thích với nhiều loại mùi hương khác nhau. Đó cũng là lý do tại sao nó được dùng cho làn hương cuối (base note) của nhiều loại nước hoa.

Tinh dầu Gỗ Đàn Hương là một hợp hương gỗ và được dùng làm cho làn hương cuối. Không giống như orange oil hay jasmine oil, độ lưu hương của nó có thể lên đến 24 giờ”, Chidananda N – Trợ lý R&D KS&DL cho biết.

KS&DL là một trong những nhà sản xuất các sản phẩm từ tinh dầu Gỗ Đàn Hương lớn nhất thế giới. Mặc dù sản phẩm chủ lực là xà phòng, nhưng nó cũng bán tinh dầu Gỗ Đàn Hương. Một chai thành phẩm 10g có giá khoảng 5500 rupees (khoảng $74). Hiện nay, giá một kilograms tinh dầu Gỗ Đàn Hương có thể đã tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2017. Và với nhu cầu ngày càng tăng như hiện nay thì thị trường dự kiến sẽ đạt $165 triệu vào năm 2027. 

Thiếu nguồn cung trầm trọng

Trong số khoảng 10 loài trong họ thì  có 2 loại có giá trị thương mại lớn nhất : 

  • Gỗ Đàn Hương Ấn Độ (Santalum Album) : hàm lượng alpha và beta-santalol cao hơn Đàn Hương Úc. Đây cũng là các thành phần chịu trách nhiệm chính về hương thơm lâu dài và các lợi ích sức khỏe có được.

  • Gỗ Đàn Hương Úc (Santalum Spicatum)

Có một khoảng thời gian, Ấn Độ đã từng thống trị thị trường tinh dầu và các sản phẩm chế biến từ Gỗ Đàn Hương. Nhưng những năm gần đây, Úc đã có được chỗ đứng đáng kể trên thị trường do có thể cung cấp cả hai loài gỗ kể trên.

Hiện nay, Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng. Nguồn cung hạn chế đến mức nhà máy chưng cất ở Mysore chỉ có thể hoạt động trong khoảng 4 tháng vào năm 2021. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do: 

  • Việc trồng Gỗ Đàn Hương tự phát bị cấm : ở các bang phía nam của Karnataka, Tamil Nadu và Kerala cho đến năm 2002(1)

  • Cùng với lượng tái canh được chính phủ phê duyệt hạn chế và việc thu hoạch quá mức đã khiến nguồn cung bị ảnh hưởng. 

  • Một yếu tố khác gây ra hạn chế này là do cách sinh trưởng vốn có của cây. Cần khoảng 20 năm để cây trưởng thành và thu được tinh dầu một cách hiệu quả.

Kể từ năm 2018, Gỗ Đàn Hương Ấn Độ đã được xem xét là loài dễ bị tổn thương, trên mức độ nguy cấp.

Ở Ấn độ ngày nay, mỗi cây Gỗ Đàn Hương phải được đăng ký với chính phủ và không thể thu hoạch hay vận chuyển nếu không có giấy phép. Nhưng những quy định nghiêm ngặt này cũng không đủ mạnh để ngăn chặn hành vi trộm cắp. Theo tạp chí Hinduism Today, khoảng 2.000 tấn gỗ đàn hương nhập lậu đã qua thị trường chợ đen vào năm 2018. Trong nhiều thập kỷ, người nông dân phải trả chi phí để bảo vệ cây. Tại một vài nơi ở Mysore một số cây được quấn bằng dây thép gai để hạn chế hành vi trộm cắp. Khi nông dân được đồng ý cho thu hoạch, một quan chức chính phủ phải đích thân đến giám sát việc nhổ toàn bộ cây. Không một bộ phận nào bị vứt bỏ, đặc biệt là phần tâm gỗ ở thân và rễ, vì nó có hàm lượng tinh dầu cao nhất. 

Có thể thu được khoảng 60g tinh dầu từ 1kg gỗ phần rễ, 40 – 50g từ 1kg gỗ phần thân, 30 – 40g từ 1kg gỗ phần nhánh” - J. Mahadeva Singh. 

Để giải quyết vấn đề thiếu nguồn cung, chính quyền bang Karnataka đã tạo ra chương trình Grow More Sandalwood (Trồng thêm Gỗ Đàn Hương). “Khoảng 360 nông dân được đăng ký trong dự án này, chúng tôi đang khuyến khích nông dân trồng nhiều hơn nữa. Và sau tối thiểu 14 năm chúng tôi có thể mua lại chúng” – Chidananda N cho biết.

Nhưng việc trồng cây đi kèm với việc phải bảo vệ chúng trong nhiều thập kỷ cùng một lúc, điều này có thể sẽ khiến nhiều nông dân nản lòng. Không chắc liệu các chương trình như thế này có thể đưa Ấn Độ trở lại mức sản xuất cũ hay không, nhưng tối thiểu thì những nỗ lực này có thể giúp khôi phục một số nguồn cung cấp Gỗ Đàn Hương đã mất của đất nước.


(1) Năm 1792, khi Sultan (vua của các vùng lãnh thổ mà đạo Hồi là quốc giáo) của Mysore tuyên bố rằng Gỗ Đàn Hương là cây của hoàng gia. Điều này có nghĩa là tất cả Gỗ Đàn Hương đều thuộc sở hữu của chính phủ, cây mọc trong sân của ai thì cũng là tài sản của chính phủ và chủ đất phải chịu trách nhiệm nếu cây bị trộm. Luật này có hiệu lực ở Ấn Độ cho đến năm 2002. Thật không may, chính sách này đã tạo ra kết quả không mong muốn: để tránh trách nhiệm pháp lý, những người chủ đất đã chặt bỏ những cây gỗ đàn hương nhỏ ngay khi chúng được xác định và trước khi chính phủ biết về chúng. Theo luật hiện hành ngày nay, cá nhân có thể sở hữu cây, nhưng nó chỉ có thể được cắt và bán với sự giám sát của chính phủ.

https://www.hinduismtoday.com/magazine/special-feature-australias-would-be-king-of-sandalwood/


Bài viết được team Olfactozoom thực hiện, tham khảo nội dung từ Video của Business Insider | 06-01-2022: https://www.youtube.com/watch?v=QPRpWg_wU0A

*Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Copyright - Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog Olfactozoom.


Đọc thêm:

Rêu sồi và Rêu cây trong ngành hương - Part 1

Amber và nhựa cây: Dòng chảy ấm áp - Part 1


Bài viết cũ hơn Bài viết mới hơn